9 rủi ro cần biết khi đầu tư chứng khoán

Đầu tư chứng khoán có thể mang đến mức lợi nhuận rất cao, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Qua nghiên cứu cho thấy có 9 rủi ro chính khi đầu tư chứng khoán nằm trong 2 nhóm rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống.

Rủi ro hệ thống

Rủi ro hệ thống hay còn gọi là rủi ro thị trường là các loại rủi ro chỉ có thể phòng nhưng không thể tránh trong đầu tư chứng khoán. Ví dụ như các sự kiện chính trị bất ngờ có tác động đến nền kinh tế, biến động lãi suất, tỷ giá hay suy thoái nền kinh tế thế giới. Những sự kiện này đều được xem là rủi ro hệ thống.

Hầu hết, những nhà đầu tư chứng khoán lâu năm đều đã từng gặp phải các loại rủi ro hệ thống này.

Một ví dụ điển hình diễn ra vào tháng 4/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự điều chỉnh mạnh giảm khoảng 25%. Nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút này được tác động bởi các rủi ro hệ thống như:

  • Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đã gây ra nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô tại thời điểm đó
  • Ngoài ra là sự tăng mạnh của đồng USD, điều này khiến khối ngoại đầu tư có xu hướng bán ròng bởi chưa biết doanh nghiệp kinh doanh lợi nhuận ra sao thì bên đầu tư quỹ ngoại đã lỗ do tỷ giá chênh lệch.
  1. Rủi ro mô hình

Đặc điểm nổi bật của thị trường chứng khoán là biến động không theo một hình thức hay quy tắc nào cả. Trong đầu tư chứng khoán nhà đầu tư thường chọn cho mình một mô hình đầu tư nhất định, nó có thể là mô hình định giá vốn hoặc tài sản. Tuy nhiên, vì sự biến động kỹ thuật của thị trường chứng khoán không theo một quy tắc nào cả sẽ dẫn đến một số rủi ro về mô hình nhất định cho các nhà đầu tư. Theo các nhà đầu tư việc rủi ro mô hình này là không thể tránh khỏi.

  1. Rủi ro thanh khoản

Rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán được biết đến là sự bất ổn của chứng khoán khi điều kiện giao dịch thay đổi. Bởi tính thanh khoản của chứng khoán là khả năng chuyển đổi dễ dàng từ chứng khoán sang tiền và ngược lại. Từ đó nhà đầu tư có thể dễ dàng chuyển đổi chứng khoán thành tiền hoặc từ tiền thành chứng khoán

Ngoài ra, tính thanh khoản của chứng khoán còn được thể hiện thông qua khối lượng giao dịch chứng khoán, giao dịch xảy ra với khối lượng lớn có thể thấy được mức thanh khoản đang cao. Ngược lại, nếu khối lượng chứng khoán thấp, giao dịch ở mức thấp thậm chí có trường hợp không có phiên giao dịch nào xảy ra thì có thể thấy tính thanh khoản thấp, khó chuyển đổi thành tiền.

  1. Rủi ro hàng hóa

Khi nhà đầu tư tham gia đầu tư thị trường chứng khoán, cụ thể là đầu tư cổ phiếu vào các công ty cổ phần phát hành chính là đang gián tiếp đầu tư vào các loại hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đó. Chỉ cần có sự thay đổi về giá hàng hóa cũng đã tác động trực tiếp tới thị trường cổ phiếu. Đặc biệt là các loại hàng hóa như: xăng, dầu, giá điện..v.v.. thường có liên quan tới chính sách tài khóa của nhà nước. Vì vậy khi giá của các loại hàng hóa có sự thay đổi thì rủi ro khi đầu tư chứng khoán cũng có nguy cơ xảy ra lớn hơn.

  1. Rủi ro biến động lãi suất và rủi ro lạm phát

Giá chứng khoán luôn có sự biến động tỷ lệ nghịch với lãi suất thị trường. Lãi suất thị trường nếu tăng sẽ làm cho giá trị của thị trường chứng khoán bị sụt giảm và ngược lại. Tình trạng này xảy ra là do giá của trái phiếu là giá trị hiện tại của các dòng tiền.

Khi lãi suất thị trường càng cao thì các dòng tiền bị chiết khấu với lãi suất càng lớn, do vậy dẫn đến giá trái phiếu càng thấp. Vì vậy, khi lãi suất cao, giá trái phiếu thấp có thể là một cơ hội tốt để mua vào trái phiếu. Đồng thời tình hình lạm phát chung sẽ khiến giá trị của đồng tiền bị thay đổi, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà đầu tư chứng khoán trong tương lai.

Rủi ro phi hệ thống

Rủi ro phi hệ thống hay còn gọi là rủi ro cụ thể, đây là những rủi ro đặc trưng đối với bất kỳ ngành nghề hay công ty nào. Tuy nhiên, rủi ro phi hệ thống xảy ra không phải tất cả nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường đều phải cùng gánh chịu rủi ro này, nó ít khi có sức ảnh hưởng quá lớn đến toàn bộ thị trường chứng khoán như các loại rủi ro hệ thống.

Ví dụ các rủi ro phi hệ thống như thông tin xấu nào đó của một công ty, chất lượng sản phẩm ảnh hưởng đến người tiêu dùng, bê bối nhà quản lý một doanh nghiệp nào đó..v..v.. Nó có sức ảnh hưởng nhất định đến đối tượng doanh nghiệp hay công ty và những nhà đầu tư đặt tiền vốn đến các doanh nghiệp này.

  1. Rủi ro lỗi thời

Rủi ro lỗi thời được xem là loại rủi ro bất kỳ ngành sản xuất sản phẩm nào đều có thể gặp phải. Ở đây sản phẩm đã rơi vào tình trạng lỗi thời, không có giá trị đổi mới so với các doanh nghiệp khác. Một dẫn chứng cụ thể trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã hướng đến chuyển đổi số để phát triển bền vững. Tuy nhiên cũng có một số doanh nghiệp chưa thể nắm bắt và áp dụng công nghệ dẫn đến không tăng trưởng lợi nhuận khiến doanh nghiệp trở nên trì trệ, giá cổ phiếu giảm sút.

  1. Rủi ro kiểm toán

Đây được coi là rủi ro phát sinh từ những nhà quản lý và điều hành doanh nghiệp, rủi ro kiểm toán xảy ra khi doanh nghiệp, công ty có sự kiểm soát chi phí và nguồn vốn kém gây ảnh hưởng tới giá trị kinh tế của doanh nghiệp, mọi hoạt động sản xuất không hiệu quả gây thiệt hại tới giá cổ phiếu.

  1. Rủi ro xếp hạng

Hiện nay, bất kỳ một loại hình dịch vụ ở ngành công nghiệp nào cũng sẽ có những đánh giá, xếp hạng mỗi năm, đặc biệt chủ yếu vào các dịp cuối năm hoặc đầu năm sau. Bảng xếp hạng này nhằm đánh giá những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt trong năm, được xếp hạng từ trên xuống. Rủi ro xếp hạng được thể hiện nếu doanh nghiệp bị tụt hạng so với năm trước. Điều chứng tỏ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị trì trệ khiến giá trị của doanh nghiệp giảm kéo theo đó giá cổ phiếu cũng sẽ giảm.

  1. Rủi ro pháp lý

Đây là loại rủi ro xảy ra nếu nhà đầu tư không nắm vững được các quy định của pháp luật chứng khoán, khi đó nhà đầu tư có thể dễ dàng phải đối mặt với các nguy cơ rủi ro cao. Bên cạnh đó, rủi ro pháp lý cũng đòi hỏi doanh nghiệp phát hành chứng khoán có thể nắm bắt và hiểu rõ những sự thay đổi của pháp luật như thắt chặt thuế, quy định vốn…v..v. nếu lơ là doanh nghiệp sẽ vướng phải một số rủi ro pháp lý có thể làm giảm giá cổ phiếu bất cứ lúc nào.

  1. Rủi ro truyền thông

Rủi ro truyền thông thường xuất hiện nhiều nhất ở các thời điểm doanh nghiệp phát hành chứng khoán nhưng phải đối mặt với các sự kiện truyền thông xấu xuất phát từ nhiều phía gây ảnh hưởng đến giá trị cũng như uy tín của doanh nghiệp, khiến giá cổ phiếu bị giảm nhanh chóng.

Rủi ro truyền thông được đánh giá làrủi ro khi đầu tư chứng khoán có sức ảnh hưởng mạnh nhất đến công ty và các nhà đầu tư chứng khoán. Một ví dụ điển hình đó chính là Bách Hóa Xanh của Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động, có những hành động tăng giá lương thực, thực phẩm trong mùa dịch. Điều này đã bị giới truyền thông lên án, khiến cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động tụt giảm sâu tới 9.500 đồng/cổ phiếu, xuống còn 158.200 đồng/cổ phiếu (19/07/2021) khi xuất hiện nhiều thông tin bất lợi về chuỗi cửa hàng này./.

KHD Law